Rate this post

Các smartphone cao cấp của LG thời gian gần đây được các chuyên gia đánh giá khá cao về chất lượng và giá thành khi so sánh với sản phẩm cạnh tranh của các hãng khác như Samsung, Sony hay HTC.

Để có thể cạnh tranh với những điện thoại đầu bảng được phát hành đầu năm nay như Samsung Galaxy S5, HTC One M8 hay Sony Xperia Z2, LG G3 được trang bị những công nghệ khá độc đáo. Đây là một trong những điện thoại đầu tiên sử dụng màn hình độ phân giải 2K, cùng với khả năng lấy nét bằng laser.

 c53ba9cfd50605d9c3ed2898c50ca291635413626857357838

Với những đặc điểm đó, LG không ngần ngại định giá chiếc G3 tương đương với sản phẩm hàng đầu của Samsung, HTC và Sony, với giá bán 15 triệu đồng.

Thiết kế

Trước đấy LG G2 đã có nhiều nét thiết kế độc đáo như đưa cụm nút cứng ra mặt lưng và viền màn hình rất mảnh. Các đặc điểm đó cùng kiểu dáng được giữ nguyên trên G3, nhưng một số chi tiết thiết kế được thay đổi theo hướng tốt và hợp thời trang hơn hơn.

Chi tiết đáng chú ý đầu tiên là chất liệu ở mặt lưng của máy. Máy vẫn sử dụng nắp lưng nhựa, nhưng có các họa tiết giả xước khiến người dùng nghĩ đến chất liệu kim loại. Họa tiết này trông ấn tượng nhất với máy màu xám, nhưng nhìn chung các phiên bản màu khác đều trông rất ấn tượng. Không chỉ giúp máy trông sang trọng hơn, nắp lưng kiểu này còn giúp giảm hiện tượng bám vân tay và chống xước tốt hơn.

 LG-G3

 

Ở mặt trước, Viền màn hình siêu mỏng trên G2 vẫn được duy trì trên G3, các phím điều hướng được tích hợp ngay vào màn hình. Phía dưới màn hình là lớp kính với biểu tượng LG vân chìm. Các vạch kim loại chạy dọc viền máy cũng khiến máy trông cứng cáp hơn. Máy vẫn có đầu phát hồng ngoại được đặt trên đỉnh, để điều khiển các thiết bị gia dụng.

Nút nguồn và âm lượng của máy vẫn được đặt ở mặt sau, nhưng kiểu dáng và cách thiết kế có chút khác so với G2. Nút nguồn của G3 có hình tròn, hai nút chỉnh âm lượng hơi chìm xuống nên dễ nhận thấy khi đặt tay ở mặt sau. Thân máy G3 có dài hơn một chút so với G2 nhưng vị trí đặt nút nguồn vẫn dễ bấm bằng một tay.

Tuy màn hình có kích thước 5.5 inch nhưng nhờ thân máy hơi cong, viền máy mỏng nên máy không quá khổ khi cầm trên tay. Khác với G2, trên G3 người dùng có thể tháo nắp lưng để thay pin và gắn SIM, thẻ nhớ. Loa ngoài của máy cũng được đặt ở mặt sau, nên khi đặt máy xuống mặt phẳng thì âm thanh sẽ bị ảnh hưởng đôi chút.

LG G2 là điện thoại được đánh giá cao về mặt thiết kế, và những điểm nâng cấp của G3 giúp đem lại một chiếc điện thoại với thiết kế khá toàn diện cả về vẻ ngoài và sự thuận tiện khi sử dụng.

Màn hình

Màn hình của LG G3 là sự nâng cấp so với G2 cả về kích thước (5.5 inch) và độ phân giải (2560 x 1440). Độ phân giải 2K là điểm khiến cho G3 khác biệt hẳn với những đối thủ cạnh tranh. Màn hình của máy rất sắc nét, thể hiện rõ khi nhìn vào các viền của biểu tượng, hay khi bật các game có đồ họa phức tạp.

LG G3 hiển thị khá tốt khi sử dụng ngoài trời. Màu sắc hiển thị của máy trung thực, phù hợp với chủ đề mang màu sắc trung tính có sẵn. Góc nhìn màn hình của G3 cũng rất xuất sắc.

Man-hinh-LG-G3

Khi sử dụng quy trình đánh giá màn hình của VnReview, G3 cho kết quả khá tốt khi các điểm số về độ lệch màu đều ở mức thấp, tương đương với chiếc HTC One M8 và Xperia Z2.

Máy ảnh

Về máy ảnh của G3 không có nhiều khác biệt so với G2, nhưng điểm chú ý nhất là bộ phát laser hỗ trợ lấy nét. Đây là một cải tiến quan trọng trên G3, giúp máy ảnh lấy nét nhanh hơn. Khi chụp ảnh, đầu phát laser trên G3 sẽ liên tục phát ra các tia laser với công suất thấp, và dựa vào thời gian các tia này phản hồi sẽ tính toán được khoảng cách đến vật thể, qua đó lấy nét phù hợp.

anh-1

Trong khi các điện thoại LG trước đây, bao gồm cả chiếc G2 gần nhất đều có rất nhiều chế độ và tùy chọn khi chụp ảnh, thì LG G3 lại nhấn mạnh sự tối giản ở giao diện chụp ảnh. Bạn chỉ chọn được một số chế độ chụp, phần cài đặt chỉ có bật/tắt chế độ HDR, độ phân giải, hẹn giờ và lưới tỉ lệ ảnh.

Tuy được trang bị khả năng lấy nét tốt, chất lượng ảnh mới là điều quan trọng nhất, và đây là điểm mà G3 chưa thể hiện thuyết phục. Khi chụp vào ban ngày, ảnh chụp của máy đủ sáng, độ nét khá, màu sắc theo hướng gần với thực tế. Tuy nhiên dải sáng của máy không rộng, do đó khi chụp các khung hình có ánh sáng tương phản mạnh thì máy thể hiện không tốt. Để chụp các khung hình này thì người dùng có thể sử dụng chế độ chụp HDR, tốc độ chụp HDR ở G3 khá nhanh nhưng không so được với Galaxy S5.

anh 2

Khi chụp ở môi trường thiếu sáng, ảnh chụp của G3 có độ nét kém hơn hẳn, khi nhìn các chi tiết nhỏ sẽ thấy hơi bị “mềm”. Công nghệ chống rung quang học OIS của G3 có vẻ không phát huy tác dụng khi chụp buổi tối, vì ảnh chụp vẫn rất dễ bị rung.

Hiệu năng và pin

G3 được trang bị cấu hình hiện đại nhất hiện nay, với bộ vi xử lý tích hợp (SoC) Qualcomm Snapdragon 801, dung lượng RAM 3GB và bộ nhớ 32GB (có thể mở rộng bằng thẻ nhớ MicroSD). Cấu hình cao giúp máy hoạt động mượt mà, đáp ứng tốt tất cả các ứng dụng trên Android. Khi so sánh với các sản phẩm cạnh tranh như Samsung Galaxy S5 hay HTC One M8, G3 có ưu điểm là ít bị nóng hơn khi chơi game hoặc lướt web bằng 3G trong thời gian dài.

Dung lượng pin của G3 vẫn giống như G2 (3000 mAh), tuy nhiên tốc độ xử lý tối đa và độ phân giải màn hình của máy đều cao hơn. Do vậy, thời lượng pin của máy không được ấn tượng như G2.

Phần mềm

LG G3 được cài sẵn phiên bản Android 4.4.2, với giao diện quen thuộc trên các máy LG. Các biểu tượng của máy được thiết kế theo hướng phẳng. Giao diện gốc của máy sử dụng gam màu trầm nên dịu mắt, dễ nhìn.

Trong khi các nhà sản xuất như Samsung, Sony, HTC hay Asus đều đã hỗ trợ gõ kiểu Telex trên bàn phím gốc, thì bàn phím gốc của LG lại khó dùng hơn hẳn. Để bỏ dấu trong tiếng Việt, người dùng phải giữ tay vào các chữ cái nguyên âm, để chờ hiện ra các lựa chọn, cách nhập rất mất thời gian. Bàn phím gốc của G3 được đánh giá cao khi nhập tiếng Anh, nhưng với tiếng Việt thì nó khó so sánh với các bàn phím cài bên ngoài.

Một tính năng khác khá thiết thực đối với các máy dùng phím điều hướng trong màn hình, đó là LG G3 cho phép giấu các phím này trong các ứng dụng nhất định. Nhờ vậy khi chơi game, màn hình sẽ không bị mất đi một phần dành cho các phím điều hướng, trông đỡ khó chịu hơn. Người dùng có thể cài đặt tắt phím điều hướng đối với từng ứng dụng một trong phần cài đặt hiển thị.

Hai tính năng mở điện thoại là Knock-on (mở và tắt màn hình bằng cách gõ nhanh hai lần) và Knock Code (mở khóa màn hình bằng mã cử chỉ) vẫn tiếp tục xuất hiện trên G3, giúp bạn không cần phải sử dụng nhiều đến phím nguồn ở mặt lưng. G3 cũng có thể dùng hai ứng dụng một lúc trên cùng màn hình, đem đến khả năng đa nhiệm

Kết luận

LG G3 là bản nâng cấp của G2, nhưng nó không thực sự đột phá so với thế hệ cũ. Màn hình 2K sắc nét hơn nhưng không quá khác biệt so với màn Full HD của G2 khi nhìn ở khoảng cách thông thường, cấu hình và hiệu năng có nâng cấp nhưng cũng không vượt trội hẳn. Camera của máy lấy nét tốt hơn nhưng chất lượng ảnh vẫn không cải thiện được nhiều, còn thời gian sử dụng pin lại có phần kém hơn. Bên cạnh thiết kế, những cải tiến của máy chưa đủ rõ ràng để thuyết phục người dùng đổi từ thế hệ cũ.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng các nhà sản xuất lớn khác như Samsung, HTC hay Sony đều không mang đến những đột phá trong sản phẩm mới nhất của mình. Các hãng hiện nay chủ yếu hoàn thiện các tính năng mà người dùng sử dụng nhiều nhất, như khả năng chụp ảnh, thời lượng pin hay giao diện người dùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *